Triển khai nhiệm vụ trên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2013/QH15, ngày 24/6/2023 “về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”. Sau gần một năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, sáng ngày 14 tháng 5 năm 2024, Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam phối hợp với Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh sau 01 năm thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố; TS. Phùng Ngọc Bảo - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Phan Minh Tuấn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đồng chí Huỳnh Thành Lập - Nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Trần Thế Lưu - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính; PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Thành ủy viên, Trợ lý Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở Trung ương; các đồng chí lãnh đạo và viên chức các đơn vị trực thuộc Tạp chí Cộng sản; các đồng chí lãnh đạo quận huyện ủy, sở ngành; các đồng chí công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh; các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên của các trường đại học, các viện nghiên cứu và lãnh đạo các phòng, khoa, trung tâm, giảng viên, viên chức Học viện Cán bộ.
Toàn cảnh Hội thảo
PGS.TS. Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”, 05 năm thực Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên,trước sự biến đổi của tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặc biệt là kinh tế thế giới, cục diện chính trị và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thành phố luôn vươn lên để tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đây là một cửa ngõ quan trọng kết với khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh việc tuân thủ các quy định về thể chế chung áp dụng cho các địa phương, tuy nhiên Thành phố Hồ Chí Minh đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển trong bối cảnh tình hình mới. Trên cơ sở Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thành phố đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14, “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây được xem là quyết sách quốc gia kịp thời, nhằm tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo riêng cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho Thành phố; đồng thời đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận trong xã hội và các tầng lớp nhân dân Thành phố.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, khi thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được yêu cầu như nội dung kế hoạch đặt ra như: (i) Các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn,...; (ii) Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều. (iii) Một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền). Công tác hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại để chi trả thu nhập tăng thêm chưa theo kịp với tình hình thay đổi của thực tiễn…
Trước bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển Thành phố trong thời gian tới là: “Ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ và nhân dân Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới”; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”, đây là Nghị quyết được xem là Nghị quyết mới nhất và đầy đủ toàn diện nhất với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau, dựa trên 3 nguyên tắc chính, đó là: (i) Quy định các nội dung khơi thông tối đa các nguồn lực mà Thành phố Hồ Chí Minh hiện có để có điều kiện phát triển; (ii) Phân cấp, phân quyền tối đa cho Thành phố Hồ Chí Minh chủ động, linh hoạt trong điều hành; (iii) Cho phép thực hiện một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn, ngoài hệ thống pháp luật chung áp dụng cho cả nước mà các tỉnh, thành phố khác đang được phép triển khai, giúp Thành phố phát huy các lợi thế đặc biệt để vượt lên, bứt phá và phát triển.
Nhằm đánh giá sau gần một năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nhìn nhận những công việc đã triển khai, cùng với một số vấn đề đặt ra trong quá trình thực thi Nghị quyết, Hội thảo sẽ là dịp để tập hợp các luận cứ khoa học giúp Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện cơ chế, chính đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; bao gồm các phần việc cụ thể, như: (1) Thực trạng triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố trong thời gian qua; (2) Phương hướng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm tính hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ và Chính quyền Thành phố, cũng như tính bền vững trong phát triển Thành phố trong bối cảnh mới...
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ cho biết, Hội thảo khoa học cấp Bộ “Thành phố Hồ Chí Minh sau 01 năm thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học thảo luận những mặt được, chưa được trong thực tiễn triển khai; đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực, mang tính chiến lược nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác triển khai trong thời gian tới.
PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ phát biểu Đề dẫn Hội thảo
Trong quá trình chuẩn bị tổ chức Hội thảo, Ban Tổ chức nhận được 120 bài tham luận và biên tập, lựa chọn 91 bài đáp ứng các yêu cầu đưa vào Kỷ yếu Hội thảo. Hội thảo hệ thống toàn bộ những nội dung cốt lõi của các tham luận được đăng trong kỷ yếu, góp phần khẳng định những luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần làm sâu sắc thêm: (i) Cơ chế, chính sách đặc thù cùng với các bài học quốc tế tham khảo cho Thành phố Hồ Chí Minh; (ii) Thành phố Hồ Chí Minh thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh một số vấn đề trọng tâm:
Một là,bàn luận những vấn đề đã, đang triển khai Nghị quyết mà nội dung đã được cụ thể hóa qua các Nghị quyết chuyên đề, Thành phố đã ban hành cùng với những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện.
+ Về xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Phát huy tính năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung; Xây dựng chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh; Tổ chức bộ máy của chính quyền các cấp; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình chính quyền đô thị trong thời gian tới; Đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố ngang tầm nhiệm vụ trong thời gian tới…; Thử nghiệm các mô hình quản lý nhà nước mới tại Thành phố Hồ Chí Minh, làm cơ sở để nghiên cứu, hoàn thiện áp dụng cho cả nước.
+ Các lĩnh vực kinh tế - xã hội: Bảo đảm phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh; Quản lý, phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn tại Thành phố Hồ Chí Minh; Phát triển các lĩnh vực kinh tế cụ thể (quy hoạch, phát triển Thành phố; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kinh tế, kỹ thuật cụ thể; phát triển kinh tế số, kinh tế trí tuệ nhân tạo, khai thác; phát huy lợi thế, tiềm năng trong phát triển kinh tế; huy động các nguồn lực công - tư trong phát triển kinh tế, quản lý môi trường…); Quản lý, phát triển văn hóa - xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh; Quản lý các lĩnh vực cụ thể như: xã hội, xã hội số; phát triển giáo dục - đào tạo; phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực xã hội, lao động, việc làm…
Hai là, đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực, mang tính chiến lược nhằm góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng và thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Trọng tâm là các vấn đề: (i) Thành phố tập trung phối hợp Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 850 tại Thông báo số 506/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ; (ii) Phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 98/2023/QH15, Chỉ thị số 27-CT/TU của Thành ủy đến các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, các hội nghị, hội thảo do Thành phố chủ trì; xây dựng kế hoạch triển khai chủ đề công tác năm 2024 theo Kết luận của Thành ủy và Hội đồng nhân dân Thành phố; (iii) Tham mưu, trình Ban Chỉ đạo cấp Thành phố ban hành Quy chế làm việc, chương trình công tác năm 2024 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo trong giám sát, chỉ đạo việc xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15; (iv) Tập trung triển khai 24 Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua và 05 Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố; (v) Xây dựng, trình các cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố và ban hành các cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe 04 tham luận:
1) Tham luận “Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về phân cấp quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy” do đồng chí Nguyễn Hoàng Chương - Trưởng phòng Tổ chức biên chế và tổ chức phi chính phủ, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh trình bày.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Chương - Trưởng phòng Tổ chức biên chế và tổ chức phi chính phủ, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội thảo
2) Tham luận “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” do đồng chí Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh trình bày.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội thảo
3) Tham luận “Thực trạng và giải pháp thực thi hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 trên địa bàn huyện Cần Giờ” do đồng chí Mai Thị Tuyết Dung - Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cần Giờ trình bày.
Đồng chí Mai Thị Tuyết Dung - Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cần Giờ trình bày tham luận tại Hội thảo
4) Tham luận “Tiếp tục cụ thể hóa nghị quyết số 98/2023/QH15 của quốc hội để giải phóng tiềm năng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh do TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày.
TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày tham luận tại Hội thảo
Bên cạnh đó, Hội thảo còn được lắng nghe ý kiến thảo luận của 04 đại biểu: đồng chí Huỳnh Thành Lập - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Bạch Hoàng Phụng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức; PGS.TS. Đỗ Phú Trần Tình - Trường Đại học Kinh tế-Luật; đồng chí Nguyễn Nhật Anh - Công an xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Trần Thọ Quang - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung - Tây Nguyên; PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Thành ủy viên, Trợ lý Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Huỳnh Thành Lập - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Bạch Hoàng Phụng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức phát biểu ý kiến tại Hội thảo
PGS.TS. Đỗ Phú Trần Tình - Trường Đại học Kinh tế-Luật phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Nhật Anh - Công an xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại Hội thảo
PGS.TS. Trần Thọ Quang - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung - Tây Nguyên phát biểu ý kiến tại Hội thảo phát biểu ý kiến tại Hội thảo
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Thành ủy viên, Trợ lý Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam và Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí trân trọng cảm ơn sự đóng góp của các tác giả qua các bài viết trong Kỷ yếu Hội thảo. Các phát biểu tại Hội thảo đã phân tích, ghi nhận và đánh giá cao về quá trình thực thi Nghị quyết, đồng thời, qua đó bày tỏ niềm tin về những kết quả tích cực sẽ mang lại trong tương lai từ các kết quả thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15 cùng với thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chủ trương, chính sách, kế hoạch của Đảng bộ và chính quyền Thành phố.
Sau Hội thảo, Tạp chí Cộng sản và Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ báo cáo với Thường trực Thành ủy và gửi đến các cơ quan có liên quan về kết quả Hội thảo cùng với các kiến nghị, đề xuất của Hội thảo đối với việc triển khai thực thi hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 trên thực tiễn, đưa Nghị quyết số 98/2023/QH15 đi vào thực tiễn một cách nhanh chóng, bắt đầu khơi thông và hòa cùng các nguồn lực khác, truyền dẫn xung thế mới đưa Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước trở lại quỹ đạo tăng tốc phát triển.
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tin, ảnh: Thanh Tiên